Khai thị từ Bậc Tôn Quý
KHAI THỊ SỐ 50 TỪ BẬC TÔN QUÝ
Hãy hoán đổi hạnh phúc của bản thân
lấy khổ đau của chúng sinh
- --
‘Tất cả khổ đau đều do ước muốn hạnh phúc cho bản thân, trong khi chư Phật toàn giác xuất phát từ tâm vị tha. Bởi vậy hãy đánh đổi hạnh phúc của ta lấy sự khổ đau của chúng sinh. Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.’
Tất cả chư Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều khởi hiện từ Bồ đề tâm. Lúc đầu, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một người bình thường như chúng ta. Sau khi đã phát khởi Bồ đề tâm, ngài đã tích lũy công đức trong suốt ba đại kiếp và cuối cùng đạt được giác ngộ viên mãn.
Cái mà chúng ta gọi là công đức chẳng qua là tình yêu thương vì lòng bi mẫn đối với chúng sinh. Nếu chúng ta tu tập đạo hạnh với lòng bi mẫn đối với mọi chúng sinh thì việc này được gọi là công
đức. Nếu chúng ta tu tập đạo hạnh mà không có lòng bi mẫn
thì việc này không được gọi là công đức.
Nếu chúng ta thực sự yêu thương những người khác thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng hoán đổi được hạnh phúc của chúng ta với khổ đau của họ. Một số người tự nhiên có lòng bi mẫn dạt dào; đó là
do công đức mà họ đã tích lũy được trong quá khứ. Chúng ta có lòng bi mẫn bởi vì chúng ta yêu thương những người khác. Nếu chúng ta không yêu thương họ thì chúng ta sẽ không lo lắng cho họ.
Nhưng nếu con yêu thương những người khác và thấy họ phải chịu khổ đau cùng cực thì con sẽ cảm thấy như không thể chịu nổi. Con không thể nào chịu nổi khi thấy họ khổ đau, con muốn làm bất kỳ điều gì để giúp họ thoát khổ. Đấy là lòng bi mẫn. Gốc rễ của mọi đau khổ cùng cực là sự chấp ngã.
Điều duy nhất diệt trừ sự chấp ngã là tình yêu thương. Như vậy, cái mà các chúng sinh này cần chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu tình yêu thương thấm đẫm tâm thức của họ thì ác nghiệp và sự khổ đau của họ sẽ tan biến. Ví dụ như tất cả mọi người trong một vùng chiến sự bỗng dưng phát khởi tình yêu thương thì khổ đau của họ sẽ chấm dứt. Lòng sân hận và đố kỵ của họ sẽ tức thì biến mất. Như vậy, ác nghiệp của họ có thể được tịnh hóa.
Bồ đề tâm là phương thức mạnh mẽ nhất để tịnh hóa ác nghiệp và tiêu trừ khổ đau. Khi ác nghiệp và vô minh được tịnh hóa thì chúng sẽ tan biến như tuyết chảy dưới ánh dương. Nếu núi tuyết rất to lớn thì con sẽ không thể nhận thấy rằng một ít tuyết đã tan chảy, tuy nhiên, sự thay đổi lại diễn ra từng giây, từng phút. Nếu con thực sự thấu hiểu nỗi đau do sự chấp ngã gây ra, nếu con thực sự
tin rằng sự mưu cầu cho hạnh phúc cá nhân là nguyên nhân dẫn đến khổ đau và đã chẳng bao giờ mang đến cho con hạnh phúc từ vô thủy trong luân hồi thì con sẽ có thể tạo ra được một nội lực để chuyển hóa tâm con.
Nếu con thực sự hiểu rằng ruộng công đức do Bồ đề tâm mang lại
to lớn biết dường nào thì việc mang lại lợi lạc cho người khác sẽ là điều dễ dàng và đầy hoan hỉ. Ví dụ như chúng ta tin rằng chúng ta đang mệt mỏi vì làm việc quá sức. Thực ra thì chúng ta đang bực bội vì thù lao không tương xứng với công sức của chúng ta. Thử nghĩ nếu có người nào đó nói với con rằng: ‘Tôi sẽ trả cho anh mười triệu đô la nếu anh đến làm việc cho tôi hôm nay.’ Con có cảm thấy mệt mỏi quá sức khi làm việc này không? Rất có thể là con sẽ làm việc thật hăng say trong ngày đó.
Công đức do việc phát khởi Bồ đề tâm mang lại còn to lớn bội phần so với số tiền mười triệu đô la này. Hiểu được lợi ích của Bồ đề tâm, Bồ tát không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Khi con thấy được
tình yêu thương của con lan tỏa đến những người khác như thế nào thì việc mang lại hạnh phúc cho những người khác sẽ trở thành hạnh phúc của con.
(Garchen Rinpoche - Những Lời Khai Thị Từ Bậc Tôn Quý)